Đừng trách tôi chửi bậy, thực sự là từ xưa đến giờ tôi chưa mắng ai bao giờ, chỉ âm thầm mắng trong bụng thôi, chưa nói ra bao giờ. Bây giờ tôi cũng đang mắng thầm trong bụng đây: Con bà nó! Sao chị không gọi tôi là Tường Lâm, gọi tôi là thím Tường Lâm đi! [Thím Tường Lâm là nhân vật trong truyện ngắn Lễ cầu phúc của Lỗ Tấn (BTV)]
Đây là lần thứ hai tôi mở miệng nói đến chữ về. Trong khi chờ đợi khoảng thời gian rỗi giữa cuộc nói chuyện của tốp người thứ nhất và tốp người thứ hai, tôi thể hiện thái độ lễ phép, gia giáo mà con cháu dòng dõi thư hương nên có và nói: “Mọi người cứ vui vẻ, tôi xin phép về trước”.
Chị Trần nhiệt tình ấn vai tôi xuống và nói: “Tôi chưa bao giờ thấy anh Hạ dẫn bạn gái đến, mà mới có tám giờ ba mươi phút, còn sớm mà! Chị Hạ coi thường, không nể mặt tụi này sao?”.
Tôi bước vào xã hội chưa đến mười ngày sao có thể là đối thủ của những người lăn lộn giang hồ già đời như chị Trần đây chứ? Tôi đứng dậy đi về bỏ mặc mọi thứ nghĩa là không nể mặt chị ấy? Bao người đang nhìn tôi, tôi cười khan rồi sử dụng sự dịu dàng đã gìn giữ bao lâu nay làm ra vẻ ngoan ngoãn nói: “Mẹ em dặn phải về nhà trước chín giờ ba mươi”.
Tôi đảm bảo rằng, ngồi thêm chút nữa chắc tôi chết bởi những tiếng “chị Sinh”, “chị Hạ” mà đám người này cứ mở miệng ra là gọi mất. Giọng thỏ non thế này cách xa “chị Sinh”, “chị Hạ” tới hai thế hệ.
Hạ Trường Ninh vẫn ngồi uể oải trên ghế, trước mặt bố mẹ tôi mà dám ngồi thế này, bố mẹ tôi nhất định sẽ nói: “Ngồi nghiêng ngồi ngả, như phường lưu manh”. Nhanh như điện xẹt, tôi đã tìm ra tính từ phù hợp với anh ta rồi. Ngoại hình của anh ta không phải đẹp trai, mà là bá đạo! Là tên lưu manh mặc vest! Cả con người anh ta đều thể hiện điều đó.
Hèn chi nhân viên phục vụ gọi anh ta là anh Hạ, hèn chi cả mười người này chẳng có ai bình thường. Nghe cách giới thiệu là biết, người mở cửa hàng thời trang, người làm vận chuyển, bà chủ quán bar, đội viên điều tra văn hóa… giao lưu bạn bè quá rộng, không khí xã hội quá ngột ngạt.
Không phải tôi không để ý đến anh, Hạ Trường Ninh ạ! Thực sự là anh không hợp với phong thủy của tôi! Tôi mỉm cười và tiếp tục nói: “Không phải em không nể mặt chị Trần, mà quả thực mẹ em dặn dò phải về nhà sớm”.
Có giỏi thì gọi điện cho mẹ tôi đi! Trong lòng tôi thầm nghĩ. Dám làm hư hỏng con gái ngoan của mẹ tôi thì bà ấy sẽ giáo huấn cho một bài chẳng khác gì dạy trẻ tiểu học cả.
“Còn lâu mới đến chín giờ ba mươi, đến lúc đó anh sẽ đưa em về nhà đúng giờ”. Hạ Trường Ninh lên tiếng.
Còn một tiếng nữa mới đến chín giờ ba mươi. Tôi đợi! Tôi gật đầu rồi tiếp tục uống cốc trà Trúc diệp thanh nhạt nhẽo, vô vị. Nếu như có thể, tôi hy vọng miệng mình có thể trở nên độc như rắn lục tre. Chỉ vài lần giao tiếp ngắn ngủi thế mà anh ta mở miệng một cái là tôi không tìm ra lý do để từ chối. Với những gì đã trải nghiệm, tôi chưa bao giờ có kinh nghiệm trở mặt với người khác. Cho dù trong lòng không muốn nhưng bản thân cũng không nhấc mông mà đi được. Giây phút này tôi có chút chán ghét cái hình tượng ngoan ngoãn của bản thân mình.
Một tiếng tiếp theo đó đám bạn của Hạ Trường Ninh đã tăng lên năm mươi người, không, chính xác là năm mươi ba người. Chiếm hết cả nửa quán! Bàn tròn được xếp thành vòng tròn như biểu tượng Olympic, âm thanh ồn ã vang lên lấn át những tiếng thì thầm của những vị khách khác trong quán.
Tôi như chú cừu non lạc giữa bầy sói, chỉ biết im lặng ngồi thu lu uống trà giữa đám đông. Tôi ngồi đếm hết số người một cách vô vị, đếm cả những câu nói mà tôi đã lên tiếng trong suốt hai tiếng qua. Đồng hồ điện thoại đã chỉ chín giờ hai mươi, Hạ Trường Ninh đang vui vẻ nói chuyện với bạn bè, nói gì tôi cũng không biết nhưng nói chung là đủ loại: Từ những chuyện thông tục trên báo cho tới tin quán bar trong thành phố mới mở, từ câu chuyện cười của ai đó cho tới chuyện về những người bạn mới quen.
Tôi nhớ lại thầy giáo dạy chính trị hồi cấp hai bị học sinh làm cho tức giận tới mức mắng một câu: “Nhẫn nại cũng có giới hạn”.
Giới hạn của tôi là chín giờ ba mươi, đứng dậy bước đi, tuyệt đối không quay đầu lại. Bây giờ… nể tình chú tôi muốn bước vào cơ quan của mẹ anh ta, nể tình gia quy nhà tôi nói phải nể mặt người khác, nể tình tôi đã cố gắng nhẫn nhịn được hai tiếng, tôi nhịn!
Đúng chín giờ ba mươi phút, tôi chuẩn bị ra về. Chị Trần nhanh mắt nhanh tay thấy vậy liền kéo ba lô của tôi lại rồi cười và nói: “Mới có chín giờ ba mươi phút, cuộc sống ban đêm vẫn chưa bắt đầu, ngồi với chị một lúc đi…”.
Tôi rất bình tĩnh, tôi phải lên tiếng lấy lại ba lô của tôi rồi quay người bước đi trước mặt năm mươi ba con người, hay là ngoan ngoãn làm một con cừu non?
Lựa chọn đầu tiên tôi không dám, như thế là trở mặt, tôi không có khả năng làm thế.
Lựa chọn thứ hai tôi không muốn, tôi không thể chịu được Hạ Trường Ninh và năm mươi ba người cùng ngồi để nói chuyện khi người ta xem mặt thế kia.
Tôi chưa kịp nói gì thì Hạ Trường Ninh uể oải lên tiếng: “Cô ấy vội về nhà, nhà quản lý nghiêm lắm…”.
Tôi cứ nghĩ rằng anh ta sẽ để tôi ra về, không ngờ cái miệng thối của anh ta lại thốt lên thế này: “Chú em, mau đi bật bài Về nhà của ai đấy nhỉ, bài mà chơi bằng saxophone ấy”.
Bà nó chứ! Tôi lớn như thế này rồi nhưng hiếm khi chửi bậy hai lần trong một ngày lắm! Tôi quyết định “thà ngọc nát còn hơn ngói lành”, ức hiếp người quá đáng, thế này là xem mặt sao? Đây là gã đàn ông tốt mà dì tôi giới thiệu sao? Sắc mặt tôi trở nên lạnh băng trong giây lát. Thế nhưng ba lô của tôi bị chị Trần ném lên đùi của Hạ Trường Ninh, anh ta còn lấy đầu ngón tay nghịch ngợm con lợn con màu hồng tôi treo trên đó nữa chứ. Tôi thấy dù anh ta cứ uể oải ườn mình ra ghế nhưng đôi mắt lại phát sáng như đồng xu. Bộ dạng lấm la lấm lét. Lẽ nào anh ta muốn tôi phi tới giật lấy cái ba lô rồi chạy đi sao? Trước mặt bao nhiêu người thế này, tôi cũng không làm được.
“Phúc Sinh, đừng làm chuyện mất mặt thế. Bao nhiêu bạn bè ở đây, muộn một tí rồi anh đưa em về”.
Nghe theo số đông.
Tôi bực đến mức phì cười, những lời anh ta vừa nói… tôi và anh ta thân nhau lắm sao? Tôi kiếm cớ về là được chứ gì? Tôi đứng dậy, chị Trần sắc sảo cũng cười và đứng lên: “Đi nào, hai chị em ta đi về”.
Mười giờ ba mươi phút, cuối cùng thì tôi cũng lấy được cái ba lô của mình và ngồi lên chiếc xe việt dã của Hạ Trường Ninh. Ghế sau là chị Trần và hai người đàn ông nữa đi cùng đường.
Hạ Trường Ninh lái lao vút trong đêm, tốc độ nhanh như gió, hai người sau xe hét lên: “Anh Hạ, đây là nội thành đấy”.
Anh ta cau mặt lại và nói: “Không thấy là có người đang vội về nhà sao?”.
Ngoài ấm ức ra tôi thực sự muốn cấu chết anh ta. Ai sai? Là ai sai? Tôi là một cô gái ngoan ngoãn, chất phác, dịu dàng và vô tội cơ mà! Tôi xin thề là tôi không bao giờ gặp lại cái tên lưu manh họ Hạ đã hủy hoại danh tiếng trong sạch của tôi nữa! Tôi thề đấy!
Mười phút sau xe dừng trước cổng nhà tôi, tôi nhảy xuống xe rồi cật lực dập cửa xe lại.
Phía sau vọng ra tiếng nói kinh ngạc của chị Trần: “Cô ấy sao thế?”.
Ha, tôi làm sao à? Lần đầu tiên đi xem mặt, tôi cảm thấy mình chẳng khác gì động vật được người ta chiêm ngưỡng, tôi làm mặt lạnh không được sao? Tôi mượn cửa xe để trút giận không được sao? Tôi chạy ngay vào nhà mà không thèm quay đầu lại.
Cùng Chuyên Mục